Sự khám phá và thể hiện vẻ đẹp tình cảm gia đình qua bài thơ Con cò (Chế Lan Viên)

Sự khám phá và thể hiện vẻ đẹp tình cảm gia đình qua bài thơ Con cò (Chế Lan Viên)

Sự khám phá và thể hiện vẻ đẹp tình cảm gia đình qua bài thơ Con cò (Chế Lan Viên)

02/08/2022
Sự khám phá và thể hiện vẻ đẹp tình cảm gia đình qua bài thơ Con cò (Chế Lan Viên)
———————–
Nói về ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng gia đình, một nhà văn đã viết: “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và là nơi tình yêu không bao giờ kết thúc”. Gia đình chính là chiếc nôi êm bồi đắp thể chất và tâm hồn mỗi người. Rồi chúng ta ai cũng lớn lên, có thể đi nhiều nơi, biết nhiều thứ, nhưng sẽ chẳng nơi đâu lưu giữ nhiều kỷ niệm và tình yêu thương bằng bóng dáng ngôi nhà thân thương với những người thân yêu trong gia đình mình. Khám phá về vẻ đẹp thiêng liêng của tình cảm gia đình, Chế Lan Viên đã thực sự chiếm trọn trái tim độc giả khi gửi gắm biết bao nỗi lòng qua bài thơ “Con cò”.
Bài thơ “Con cò” được Chế Lan Viên sáng tác năm 1962, in trong tập thơ “Hoa ngày thường – Chim báo bão”. Toàn bộ bài thơ được viết theo thể thơ tự do thể hiện tâm hồn phóng khoáng của tác giả. Các câu thơ liên kết chặt chẽ với bố cục mạch lạc, rõ ràng với hình ảnh con cò trắng – một hình ảnh gần gũi với bao thế hệ người Việt Nam. Con cò – hình tượng thơ xuyên suốt bài thơ và cũng là tên tác phẩm được khai thác từ trong ca dao truyền thống. Hình ảnh này xuất hiện rất phổ biến trong ca dao và dùng với nhiều ý nghĩa. Đó là hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, vất vả cực nhọc; là người phụ nữ cần cù, lam lũ nhưng tất cả đều giàu đức hi sinh. Trong bài thơ này, nhà thơ vận dụng hình tượng ấy để làm biểu trưng cho tấm lòng người mẹ và những lời hát ru. Từ đó nó dõi theo con người trong suốt cuộc đời và trở thành biểu tượng cho tình mẹ bao la. Qua đó, tác giả thể hiện những suy gẫm của mình về lời ru tha thiết của mẹ với cuộc đời mỗi người.
Bằng lời thơ giản dị, giàu hình ảnh, nhà thơ Chế Lan Viên đã mở ra một không gian ngập tràn cảm xúc – không gian gia đình, với đứa con được bao bọc chở che trong tình yêu thương của mẹ:
“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng…
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ….”
Đúng là đứa trẻ còn quá bé bỏng để hiểu được thế nào là con cò, con vạc, thế nhưng ngay từ giấc ngủ đầu nôi, người mẹ đã nhẹ nhàng đem cánh cò đến với con bằng lời ru dịu dàng, nồng ấm. Điệp từ “con cò” được nhắc đi, nhắc lại ở câu bốn đến câu tám của khổ thơ đầu như một điệp khúc ngân nga, nhịp nhàng. Người đọc cảm nhận được trong thơ có nhạc. Nhạc điệu là lời ru của mẹ đối với con, là lời kể, tả của mẹ về hình ảnh cò trong dân gian cho con nghe. Những câu ca về hình ảnh “con cò ăn đêm, con cò xa tổ, cò gặp cành mềm, cò sợ xáo măng” đã gợi nghĩ về tấm thân mảnh mai của người phụ nữ xưa nhọc nhằn, lặn lội kiếm sống để chăm lo cho đời con, nhưng dẫu có nghịch cảnh đi nữa, lòng mẹ vẫn trong trắng, sạch đẹp. Câu thơ: “Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!” giống như tiếng vỗ về mang âm điệu ngọt ngào mẹ dành cho con giúp con mau chóng vào giấc ngủ say. Từng ngày, từng ngày, những lời hát ru cứ ngân nga, ngân nga, và những con cò ấy đã đến với tâm hồn đứa trẻ một cách vô thức: “con cò bế trên tay – con chưa biết con cò” hay “Con chưa biết con cò, con vạc – con chưa biết những cành mềm mẹ hát”…
Rất bé bỏng trong vòng tay bế bồng của mẹ, đứa trẻ đã hiểu ra điều gì đâu. Nhưng kì diệu thay, bằng nhịp nôi đưa nhẹ nhàng, bằng lời ru êm ái, bằng cử chỉ vỗ về trìu mến, đứa bé đón nhận tình yêu và sự che chở của mẹ một cách trực giác và vô thức. Mẹ là thế – người phụ nữ tảo tần vĩ đại, luôn dành tất cả ước mơ, lẽ sống của mình cho con mà không toan tính, so đo. Đoạn thơ khép lại bằng hình ảnh “Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân” Trong giấc ngủ say nồng ấy, con cảm nhận được hình ảnh “con cò, con vạc”, cảm nhận được tình cảm thiết tha mẹ dành cho con qua dòng sữa mát lành.
Là mối tương quan mật thiết giữa cò với con trẻ trong suốt thời thơ ấu. Cò “đứng ở quanh nôi”, rồi cò “vào trong tổ”; còn có ngủ thì cò mới ngủ. Hình ảnh cò tới đây không còn là hình ảnh con cò giản dị nữa, mà đã ẩn dụ cho hình tượng người mẹ chăm sóc, vỗ về, ấp iu cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Khi con lớn hơn một chút thì tình yêu mẹ dành cho con như thế nào?
“Mai khôn lớn con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”
Buổi ban đầu chập chững bước vào cuộc đời, đứa trẻ cần lắm đôi tay dìu dắt của mẹ. Thế nhưng, người mẹ sẽ không dìu dắt con mãi mãi, mà theo năm tháng, mẹ tập cho con tự bước đi trên đôi chân chính mình. Có thể thấy: ban đầu, thì cò dắt con đi học. Nhưng dần dà, cánh trắng cò chỉ bay theo gót chân con. Khi con đến giai đoạn niên thiếu, tình thương của mẹ dành cho con đã có cách thể hiện khác. Mẹ không còn nâng niu con nữa, mà chỉ đồng hành bên con, dõi theo mỗi bước chân con. Mẹ muốn con tự đi trong cuộc đời bằng đôi chân của chính mình. Vì chỉ có thế, bước chân con mới vững chãi, không sợ bị vấp ngã. Ta cảm nhận được tình mẹ vừa sâu sắc, lại vừa phong phú, cách thể hiện đa dạng. Một lần nữa, ta hiểu thêm về mẹ, chợt nhận hối hận ra ta cũng đã có lúc hiểu lầm về mẹ.
“Con cò”- Khúc hát ru hiện đại ấm áp tình mẫu tử thiêng liêng. Suốt cả bài thơ là hình ảnh cánh cò trắng, bay ra từ câu hát ru của người mẹ. Rồi cánh cò theo con suốt cả hành trình cuộc đời, khi con ở trong nôi, khi con đến trường, ngay cả khi con đã thành thi sĩ. Hình ảnh con cò trở thành biểu tượng của lòng mẹ, tình mẹ:
“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con”
Vẫn là lời ru nhưng âm điệu câu thơ mạnh mẽ hơn bởi cách sử dụng điệp ngữ “dù ở” “cò mãi”, “cò sẽ” để khẳng định một điều thiêng liêng: Mẹ mãi mãi bên con. Tính từ tương phản “gần”/ “xa” kết hợp với thành ngữ “lên rừng xuống bể” làm hiện lên trong tâm trí người đọc hình ảnh những cánh cò dịu dàng mà mạnh mẽ dang rộng đôi cánh để theo con.
Năm trôi qua, tháng trôi qua, những đứa con bé bỏng khôn lớn rời xa vòng tay của mẹ. Và rồi, đối với con, lòng mẹ, tình mẹ trở thành quán trọ trong hành trình dài của cuộc đời. Nhưng với mẹ thì không thế, lòng mẹ không là “quán trọ”, mẹ là mãi là điểm tựa của đời con, suốt đời “tìm con”, “yêu con”.
“Con cò” mang tính chất suy tưởng, triết lý, đậm chất trí tuệ. Từ hình ảnh “con cò bay lả bay la”, “con cò cổng phủ, con cò Đồng Đăng” của ca dao bay vào khúc hát ru hiện đại của mình, nhà thơ Chế Lan Viên khái quát lên thành triết lí muôn đời về tình mẫu tử:
“Con dù lém vân là con của
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”
Mỗi câu thơ dài tám tiếng, cảm xúc của nhà thơ như vỡ oà khi nghĩ về tình mẫu tử thiêng liêng. Cặp quan hệ từ “dù…vẫn…” diễn tả một cách trọn vẹn tình mẹ, thách thức thời gian, lòng mẹ theo con suốt cuộc đời này. Dù con là anh hùng, triết gia, hay thất bại, lỡ lầm… thì “vẫn con của mẹ” Điều đó muôn đời không thay đổi. Đoạn thơ ngắn, hình ảnh gần gũi, nhà thơ Chế Lan Viên đã thể hiện thành công cảm xúc chân thành của mình về mẹ – không chỉ mẹ của riêng ông, mà là mẹ của mọi nhà.
Tình cảm gia đình là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng và quý giá của mỗi con người, mỗi nhà thơ bằng sự khám phá và thể hiện của mình đã đem đến cho văn học những tác phẩm giàu giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục và lay thức tình cảm tốt đẹp của con người. Vẻ đẹp của tình cảm gia đình là những nét vẽ góp phần hoàn thiện bức chân dung gia đình của mỗi con người dưới ngòi bút của Chế Lan Viên. Tình cảm ấy lại được hoà quyện thống nhất, gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là một mạch nguồn tình cảm được lưu chuyển qua dòng chảy truyền thống của thơ ca dân tộc nhưng luôn có những khám phá, phát hiện và cách thể hiện theo những nét riêng, một đặc trưng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật của Chế Lan Viên.
Trên cõi đời này có vô số những điều tốt đẹp, có trăm nghìn loài hoa, có nghìn vạn ngôi sao, nhưng mẹ ta “chỉ có một trên đời”. Mẹ đã hòa tan vào đất trời, cây cỏ, vào sự sống tươi xanh, hình bóng và tình yêu của mẹ lại tiếp tục được gieo trồng và gìn giữ trong lòng con cháu. Bởi vì:
“Dẫu khi tắt nghỉ cuộc đời
Trái tim mẹ giữa đất trời còn yêu”
(Lâm Thị Mỹ Dạ).
Các bài viết liên quan

Ngày Dự án Khối Trung học – Hàng loạt Dự án học tập ý nghĩa được “trình làng”

Sau nhiều thời gian ấp ủ và xây dựng, Ngày Dự án Khối Trung học đã chính thức được khởi động với hàng loạt các Dự án ý nghĩa được các bạn học sinh báo cáo. Trong hoạt động đầu tiên của Ngày Dự án, các Teen đã có dịp đi du lịch vòng quanh thế giới, đến với nhiều điểm hẹn văn hóa khác nhau với Dự án GLOBAL FAIR.

Tiểu học

Bí kíp kỳ thi – Chuyện bây giờ mới kể

Vậy là các EddieTeen đã vượt qua kì thi học kì I một cách thành công! Chúng tớ đã học tập thật sự rất chăm chỉ đấy. Để có được những bài thi với kết quả rực rỡ, ngoài sự chỉ dạy của các Thầy Cô và sự cố gắng của chính chúng tớ, phải kể đến sự giúp sức của cả lớp nữa đó.

Tiểu học

Eddie Trung học – Khám phá những giá trị văn hóa 54 dân tộc anh em

Một hành trình thú vị của các Eddie Trung học trong Học kì I lần này chính là chuyến đi khám phá Làng Văn hóa - Du lịch Các dân tộc Việt Nam.

Tiểu học