Phân tích nhân vật ông Hai – Làng Kim Lân

Phân tích nhân vật ông Hai – Làng Kim Lân

Phân tích nhân vật ông Hai – Làng Kim Lân

02/08/2022
Kim Lân là gương mặt xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, ông sáng tác cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Kim Lân viết không nhiều nhưng những gì mà nhà văn để lại cũng đủ để khẳng định một gương mặt riêng, một phong cách riêng trong nền văn xuôi nước nhà. Sáng tác của Kim Lân hầu hết xoay quanh mảng đề tài nông thôn. Ông chủ trương viết về những người nông dân nghèo bởi họ bao giờ cũng thiệt thòi.
Ở mảng đề tài quen thuộc này, Kim Lân đã khai mở lối đi riêng, ông hướng tới khám phá vẻ đẹp khỏe khoắn, đôn hậu, chất phác trong tâm hồn những người nông dân, phản ánh những phong tục, những thú “phong lưu” đồng ruộng. Ông là nhà văn của làng quê, của những người nông dân một lòng đi với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn (Nguyên Hồng).
Truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân khám phá vẻ đẹp người nông dân trong một hoàn cảnh lịch sử mới – cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ hoàn cảnh lịch sử ấy, vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân được khám phá trên một bình diện mới: Tình yêu làng quê hợp lưu, thống nhất với tình yêu đất nước, yêu cách mạng.
Người nông dân yêu làng quê của mình một cách hồn nhiên, tự nhiên như một tình cảm cội nguồn nhân bản tất yếu sẽ gặp gỡ, hợp lưu với tình yêu đất nước, yêu cách mạng trong hoàn cảnh lịch sử mới.
Gamzatov đã từng khẳng định: “Có thể bứt con người ra khỏi quê hương nhưng không thể bứt quê hương ra khỏi con người. Một ý kiến thật xác đáng với trường hợp của ông Hai với làng quê chợ Dầu của mình.”
Những ai đã đọc Làng đều cảm nhận được ở ông Hai tình yêu, sự gắn bó sâu sắc với làng xóm, với quê hương. Đối với người nông dân chất phác ấy, tình cảm với làng quê, thôn xóm là tình cảm tự trong tim, ngấm sâu vào máu thịt. Cũng như bao người dân lao động khác, cả một đời ông Hai gắn bó với mảnh đất quê nghèo mà nặng sâu ân tình. Cái làng Chợ Dầu ấy đã trở thành nguồn vui sống của ông. Tác giả đã để cho ông Hai bộc lộ tình yêu đó một cách chân thật, nồng nhiệt, vừa có những nét quen thuộc vừa có những nét riêng biệt chỉ có ở ông Hai. Yêu làng, ông yêu tất cả những gì thuộc về làng, thậm chí yêu cả những cái mà ông và biết bao người đã phải khổ sở vì nó. Ông Hai tự hào vì làng Chợ Dầu của ông có những ngôi nhà ngói san sát, sầm uất, đường trong lạng toàn lát bằng đá xanh, trời mưa đi từ đầu làng đến cuối xóm bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm và thóc tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất… Ông tự hào về tất cả những nét độc đáo, những thứ đã làm nên bề dày lịch sử của làng ông.
Nhưng tình yêu làng của người nông dân ấy không bất biến mà thay đổi theo thời gian, theo sự biến chuyển của thời đại. Kháng chiến nổ ra mang theo những luồng tư tướng mới chiếu rọi tâm hồn ông. Giờ đây, đối với ông Hai, cái làng cụ Thượng, cái sinh phần kia đều đáng căm thù ; niềm tự hào về làng là những ngày khởi nghĩa dồn dập, những buổi tập quân sự có cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy tham gia ; những hố, những ụ, những hào…, chiếc chòi phát thanh. Tất cả những điều đó, từ những cái nhỏ nhặt đến những điều lớn lao, đểu trở thành đối tượng của tình yêu tha thiết, đậm sâu trong ông. Qua những lời khoe của ông Hai, ta có cảm tưởng như cảnh vật, làng xóm đã hằn in trong ông, chiếm trọn con tim, khối óc người nông dân ấy.
Ông Hai trong quá khứ thuộc loại khố rách áo ôm, đã từng bị bọn hương lí trong làng truất ngôi trừ ngoại xiêu dạt đi, lang thang hết nơi này đến nơi khác, lần mò đến vào tận đất Sài Gòn, Chợ Lớn kiếm ăn. Ba chìm bảy nổi mười mấy năm trời mới lại được trở về quê hương bản quán. Hơn hết ông thấm thía cảnh tha hương cầu thực, ông yêu làng quê của mình, tự hào, và tôn thờ nó. Đi đâu xa ông cũng khoe làng quê của ông.
Trước Cách mạng ông khoe cái làng to đẹp giàu có với cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông. Trong kháng chiến đi tản cư xa làng ông có một niềm tự hào kiêu hãnh về cái làng ấy: Khoe cái không khí sôi nổi cách mạng những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng mà ông gia nhập phong trào từ hồi kì còn bóng tối, những buổi tập quân sự, những hố, những ụ, những giao thông hào… ông kể rành rọt từng cái một. Ngay trong cách khoe của ông đã thể hiện một sự chuyển biến to lớn về tình cảm đối với làng quê, từ đẹp giàu sang đến một làng quê kháng chiến, từ tình yêu nước thể hiện một cách thật hồn nhiên.
Bứt con người ra khỏi quê hương một khoảng cách về không gian nhà văn Kim Lân làm nổi bật tình cảm gắn bó sâu sắc, lòng yêu quê hương đất nước, tình yêu cách mạng thông quan diễn biến tâm trạng nhân vật. Nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, ông buồn phiền, tủi hổ, căm tức bọn theo Tây phản bội dân làng “cổ ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như đến thở không được.” Ông nguyền rủa “chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.” Tiếng rít ấy là tiếng nói của lòng căm hờn, sự căm giận đang ngùn ngụt trong lòng ông Hai. Trong ông đang có cuộc giằng co dữ dội : Ông yêu làng, làng ông đáng tự hào là thế, mà giờ lại theo Tây. Tinh cảm của ông phải thế nào đây ? Nhưng sự giằng co ấy nhanh chóng đi đến kết luận : “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì ta phải thù”. Một thái độ dứt khoát, một tình yêu mạnh mẽ nhưng không mù quáng. Tinh yêu làng trong ông rất mãnh liệt, nhưng làng phải gắn với nước. Giờ đây, làng Chợ Dầu của ông theo Việt gian, tức là hại nước, hại cách mạng thì không thể yêu làng như xưa được nữa. Niềm đau, sự oán trách cũng như thái độ kiên quyết… tất cả, tất cả đều là biểu hiện sống động nhất của tình yêu nước trong ông Hai. Nghe tin làng theo giặc mặc cảm tội lỗi đau đớn buồn tủi, ông lão vừa như bị mất đi cái gì quý giá và thiêng liêng nhất. Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đây? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đây? Khốn nạn bằng ấy tuổi đầu…
Ông trằn trọc không sao ngủ được hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Nghe tin địa phương đuổi người làng Dầu vì làng chợ Dầu theo Tây, nỗi đau khổ lo sợ lên đến cực điểm, thật là tuyệt đường sinh sống, đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Hay là quay về làng nhưng lập tức ông gạt đi cái ý nghĩ tội lỗi đó cho dù rất tha thiết với làng về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi, về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ. Không thể được. Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù.
Tình yêu làng khi đối lập với tình yêu nước, yêu cách mạng thì ông Hai chỉ có một sự lựa chọn dứt khoát, quyết liệt là đặt tình yêu nước lên trên tình yêu làng. Nhà văn Kim Lân đã cho thấy tình cảm cách mạng, tình yêu nước thật tha thiết, là nét đẹp đẽ trong tâm hồn của người nông dân – lực lượng chủ lực trong cuộc chiến tranh yêu nước của lịch sử dân tộc ta, nó lí giải cội nguồn sức mạnh của dân tộc.
Khi nhận được tin chính xác là làng ông vẫn kháng chiến ông mừng như mở cờ trong bụng, cảm thấy mình được minh oan, chiêu tuyết. Không còn nỗi tủi nhục đè nặng trong Iòng, ông lại tiếp tục đi khoe về làng Chợ Dầu anh dũng của mình, “lại ngồi trên chiếc chõng tre, vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái làng của ông“. Làng vẫn là tình yêu, là niềm tự hào tha thiết của ông Hai. Niềm vui ngập tràn trong lòng, quần áo chỉnh tề, mặt tươi vui rạng rỡ hẳn lên, mồm bỏm bẻm nhai trầu, ông hồ hởi chia quà cho con. Một chi tiết như một nghịch lí khi ông lão bô bô khóc: Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn. Câu văn được nhắc lại hai lần thể hiện tâm trạng hả hê: nó như một minh chứng hùng hồn minh oan cho mình, cho làng. Làng Dầu vẫn kháng chiến. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định tình yêu làng quê thiết tha, sâu đậm của nhân vật ông Hai.
Một cái kết có hậu cho một người nông dân yêu làng, yêu nước đáng trân trọng đã được Kim Lân viết nên. Thật chẳng quá khi nói rằng bằng ngòi bút sắc bén và chân thực, Kim Lân đã làm cho người đọc không thể rời mắt khỏi trang truyện, người nghe không thể không tập trung: đoc, nghe để cảm nhận được nỗi đau vô hạn, sự tủi nhục khôn tả của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc; nỗi đau đó, sự tủi nhục đó không cần một tính từ cảm xúc nào diễn đạt, Kim Lân với khả năng miêu tả đặc sắc và chính xác tâm lí nhân vật đã làm cho cảm xuacs của ông Hai truyền sang người đọc, người nghe, khiến học không những hiểu mà còn hiểu sâu sắc để rồi hòa chung niềm vui với ông Hai khi tin làng được cải chính. Chắc hẳn ai theo dõi câu chuyện cũng phải nở một nụ cười khi đọc đến đoạn cuối: Nhà ông hai bị giặc thiêu rụi mà ông lại mừng đến khồn tả. Đấy có lẽ là chi tiết nói lên tất cả con người của ông: Một người nông dân có lòng yêu nước thật đáng quý, đáng trân trọng!
Các bài viết liên quan

Ngày Dự án Khối Trung học – Hàng loạt Dự án học tập ý nghĩa được “trình làng”

Sau nhiều thời gian ấp ủ và xây dựng, Ngày Dự án Khối Trung học đã chính thức được khởi động với hàng loạt các Dự án ý nghĩa được các bạn học sinh báo cáo. Trong hoạt động đầu tiên của Ngày Dự án, các Teen đã có dịp đi du lịch vòng quanh thế giới, đến với nhiều điểm hẹn văn hóa khác nhau với Dự án GLOBAL FAIR.

Tiểu học

Bí kíp kỳ thi – Chuyện bây giờ mới kể

Vậy là các EddieTeen đã vượt qua kì thi học kì I một cách thành công! Chúng tớ đã học tập thật sự rất chăm chỉ đấy. Để có được những bài thi với kết quả rực rỡ, ngoài sự chỉ dạy của các Thầy Cô và sự cố gắng của chính chúng tớ, phải kể đến sự giúp sức của cả lớp nữa đó.

Tiểu học

Eddie Trung học – Khám phá những giá trị văn hóa 54 dân tộc anh em

Một hành trình thú vị của các Eddie Trung học trong Học kì I lần này chính là chuyến đi khám phá Làng Văn hóa - Du lịch Các dân tộc Việt Nam.

Tiểu học