Đồng hành cùng con: Chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1
04/08/2022Cuộc đời của một đứa trẻ trải qua nhiều giai đoạn, nhưng lớp 1 vẫn được xem là giai đoạn quan trọng nhất, là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời của trẻ. Sự thay đổi về môi trường, mục tiêu và thói quen sẽ khiến nhiều bạn thấy lo lắng và sợ phải đến trường. Vì vậy, bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1 chu đáo, đúng lúc, đúng cách.
I. Tâm lý của trẻ khi vào lớp 1
Vào lớp 1 trẻ sẽ phải đối mặt với sự thay đổi lớn về môi trường cũng như thói quen học tập. Ở trường mầm non, bé được cô giáo chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, hoạt động chủ yếu vẫn là vui chơi và chưa có nhiều áp lực học tập. Trường tiểu học lại là nơi các con học tập và rèn luyện là chính. Việc thay đổi này dễ khiến trẻ thấy bỡ ngỡ, rụt rè, thậm chí là lo sợ phải đi học.
Thay đổi đầu tiên dễ khiến con mệt mỏi là phải ngồi học trong thời gian dài. Con sẽ phải học nhiều môn, có những môn con yêu thích và cả những môn con không có hứng thú. Việc phải ngồi gò bó vào bàn trong thời gian kéo dài, không thoải mái như lúc học mầm non sẽ khiến con thấy chán học và mệt mỏi.
Các con cũng phải tuân thủ theo nội quy nghiêm ngặt hơn khi vào lớp 1. Việc ngồi nghiêm túc, không nói chuyện riêng, đi học đúng giờ hay tự lập trong vệ sinh cá nhân dễ làm trẻ thấy bỡ ngỡ và áp lực. Tại môi trường mới, không có sự thân quen của thầy cô và bạn cũ cũng dễ khiến con buồn và lo lắng hơn.
Vì vậy, bố mẹ hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ thật vững vàng để vào lớp 1 không còn là nỗi lo âu, sợ hãi mà sẽ là sự háo hức, vui vẻ cho một khởi đầu mới.
II. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1
1. Lắng nghe con nói:
Bố mẹ hãy dành thời gian để nghe con tâm sự về trường lớp, bạn bè. Nếu bé rụt rè và không muốn kể chuyện, bố mẹ hãy chủ động hỏi con những câu hỏi gợi ý như “Hôm nay con đi học gì có vui?”, “Con có thấy trường mới đẹp không?”, “Cô giáo dạy con bài gì?”. Hãy nghiêm túc và nhiệt tình đáp lại câu chuyện của con để nắm bắt được tâm lý của trẻ và có những giúp đỡ kịp thời. Khi con không có bạn mới, sợ thầy cô hay thấy bài quá khó, tất cả sẽ được thể hiện qua những câu chuyện và thái độ của con. Bố mẹ hãy cố gắng lắng nghe để hiểu con hơn.
2. Chia sẻ cùng con:
Nếu thấy con chán nản, mệt mỏi với việc học tập, thậm chí là sợ phải đến trường, bố mẹ hãy là người đồng hành, chia sẻ những khó khăn ấy với con. Bố mẹ có thể cùng con chuẩn bị bài học, soạn sách vở, cùng đi mua sắm những đồ dùng học tập để con thấy hào hứng hơn với việc đến trường.
Việc dành thời gian để cùng con học và làm bài ở nhà, hướng dẫn con giải các bài tập con chưa hiểu cũng là một cách giúp con bớt đi nỗi sợ học tập.
3. Tạo cho con hứng thú đến trường:
Trẻ con thường háo hức với cái mới. Trường mới có đồng phục đẹp, có cặp sách mới, có cô giáo mặc áo dài,… những điều nhỏ nhưng vẫn làm trẻ thấy hứng thú. Trong câu chuyện hàng ngày với con, bố mẹ có thể lồng vào những câu chuyện thú vị về trường lớp để làm trẻ thấy tò mò và mong chờ được đi học.
4. Dạy con các kỹ năng cần thiết:
Vào lớp một, con sẽ phải tự lập hơn, vì vậy bố mẹ cần chuẩn bị cho con những kỹ năng cần thiết cho học tập và sinh hoạt khi đến trường:
- Tự lập: Con cần tự lập trong việc đi vệ sinh, tự mặc quần áo hay giúp bố mẹ một số công việc nhà đơn giản.
- Tính kỷ luật: Con cần thức dậy và đi học đúng giờ, hoàn thành bài tập theo thời gian quy định, không nói chuyện riêng, phải nghe theo sự chỉ dẫn của cô giáo.
- Hòa đồng với mọi người: Con nên kết bạn và trò chuyện với mọi người lúc ra chơi, chia sẻ đồ chơi với bạn bè, không nên thu mình hay xa lánh các bạn.
- Tự tin phát biểu ý kiến: Con hãy tự tin bày tỏ ý kiến khi giáo viên yêu cầu trả lời câu hỏi hay trong cuộc thảo luận nhóm; chủ động nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè, thầy cô khi con cần.
- Kỹ năng bảo vệ bản thân: Bố mẹ hãy đặt ra các tình huống giả tưởng và trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết như: đối mặt với hỏa hoạn, làm gì khi bị bắt nạt, kỹ năng tham gia giao thông… để con an toàn hơn khi đến trường.
III. Chuẩn bị tâm lý cho bố mẹ có con vào lớp 1:
Không chỉ trẻ mới cần chuẩn bị tâm lý, bố mẹ có con vào lớp 1 cũng cần trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để việc đồng hành cùng con hiệu quả và dễ dàng hơn:
- Chuẩn bị thời gian để lắng nghe và chia sẻ với con.
- Bình tĩnh và suy nghĩ tích cực trong những trường hợp con làm chưa tốt.
- Trao đổi và phối hợp với thầy cô để hiểu và giúp đỡ việc học tập của con.
- Không mang thầy cô ra dọa con để tránh cho con sợ đến trường.
- Tìm hiểu và nhờ sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý để có những quyết định tốt nhất.
- Trao đổi với các phụ huynh khác để nắm bắt tình hình, giúp đỡ lẫn nhau.
10/08/22
Ngày Dự án Khối Trung học – Hàng loạt Dự án học tập ý nghĩa được “trình làng”
Sau nhiều thời gian ấp ủ và xây dựng, Ngày Dự án Khối Trung học đã chính thức được khởi động với hàng loạt các Dự án ý nghĩa được các bạn học sinh báo cáo. Trong hoạt động đầu tiên của Ngày Dự án, các Teen đã có dịp đi du lịch vòng quanh thế giới, đến với nhiều điểm hẹn văn hóa khác nhau với Dự án GLOBAL FAIR.
Tiểu học
10/08/22
Bí kíp kỳ thi – Chuyện bây giờ mới kể
Vậy là các EddieTeen đã vượt qua kì thi học kì I một cách thành công! Chúng tớ đã học tập thật sự rất chăm chỉ đấy. Để có được những bài thi với kết quả rực rỡ, ngoài sự chỉ dạy của các Thầy Cô và sự cố gắng của chính chúng tớ, phải kể đến sự giúp sức của cả lớp nữa đó.
Tiểu học
10/08/22
Eddie Trung học – Khám phá những giá trị văn hóa 54 dân tộc anh em
Một hành trình thú vị của các Eddie Trung học trong Học kì I lần này chính là chuyến đi khám phá Làng Văn hóa - Du lịch Các dân tộc Việt Nam.
Tiểu học