Soạn bài: Ôn tập về truyện lớp 9 (hay và đầy đủ nhất)

Soạn bài: Ôn tập về truyện lớp 9 (hay và đầy đủ nhất)

Soạn bài: Ôn tập về truyện lớp 9 (hay và đầy đủ nhất)

04/08/2022

Qua bài học “Ôn tập về truyện lớp 9”,  các em sẽ được ôn tập, tổng kết và hệ thống lại các tác phẩm truyện đã được học trong chương trình ngữ văn lớp 9. Từ đó các em sẽ hiểu được các đặc điểm của truyện hiện đại Việt Nam.

Câu 1: Lập bảng thống kê lại tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam đã học trong chương trình Ngữ văn 9

Số thứ tự        Tên tác phẩm     Tác giả    Năm sáng tác               Nội dung
1 Làng (trích truyện ngắn “Làng”) Kim Lân   1948

(thời kì kháng chiến chống Pháp)

Ông Hai đi tản cư, nghe tin làng theo giặc. Dù rất yêu làng nhưng ông vẫn quyết bỏ làng để theo cách mạng, theo đất nước. Truyện thể hiện tình yêu làng sâu nặng thống nhất trong tình yêu nước thiết tha.
2 Đoạn trích: Chiếc lược ngà (từ truyện ngắn “Chiếc lược ngà”) Nguyễn Quang Sáng       1966

(thời kì kháng chiến chống Mỹ)

Qua câu chuyện cảm động giữa ông Sáu và bé Thu, truyện ngợi ca tình cha con thiết tha, sâu nặng và rất đỗi thiêng liêng. Qua đó, truyện đã khắc họa được nỗi mất mát của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt.
3 Đoạn trích: Lặng lẽ Sa Pa (từ truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”) Nguyễn Thành Long     1970

(thời kì kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc)

Truyện kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của ông họa sĩ, cô kỹ sư và anh thanh niên làm việc một mình ở trạm khí tượng trên núi cao. Qua đó, văn bản ngợi ca những con người cống hiến âm thầm cho Tổ quốc, có lý tưởng, phong cách sống và tâm hồn rất đẹp.
4 Những ngôi sao xa xôi

(trích truyện “Những ngôi sao xa xôi”)

Lê Minh Khuê 1971

(thời kì kháng chiến chống Mỹ)

Tái hiện cuộc sống, chiến đấu nhiều gian khổ, hiểm nguy trên những cung đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngợi ca tinh thần yêu nước, dũng cảm, yêu đời giữa cuộc kháng chiến đầy gian khổ.
5 Bến Quê (trích truyện ngắn “Bến quê”) Nguyễn Minh Châu 1985

(thời hòa bình, đổi mới)

Nhân vật Nhĩ cả đời đã đi khắp mọi nơi nhưng lại bỏ lỡ vẻ đẹp nơi bến quê ngay trước mắt. Truyện nhắc nhở mọi người nên trân trọng giá trị và vẻ đẹp bình dị của quê hương.

Câu 2: Các tác phẩm truyện được viết sau giai đoạn Cách mạng tháng Tám năm 1945 em đã được học trong chương trình ngữ văn 9 đã phản ánh được những điều gì về đất nước và con người Việt Nam ở thời kỳ đó?

– Đất nước:

Phản ánh những biến cố quan trọng trong lịch sử đất nước (cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ, công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đất nước trong thời kỳ đổi mới). Ở thời kỳ đó, công cuộc kháng chiến còn nhiều gian khổ nhưng vẫn anh dũng, kiên cường. Công cuộc lao động vất vả, nhọc nhằn nhưng vẫn hăng say. Tiền tuyến và hậu phương như hòa làm một, hỗ trợ lẫn nhau vì Tổ quốc.

– Con người:

Thể hiện những vẻ đẹp phẩm chất đáng trân trọng:

+ Tình yêu quê hương tha thiết

+ Tinh thần yêu nước, lạc quan, dũng cảm chiến đấu, không ngần ngại hy sinh

+ Những tình cảm đáng trân trọng: Tình đồng đội cao đẹp, tình cảm gia đình thiêng liêng,…

+ Tinh thần trách nhiệm với công việc, hăng say lao động cống hiến cho đời

Câu 3: Hình ảnh con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ đã được miêu tả qua những nhân vật nào? Nêu những phẩm chất chung của các nhân vật và nét tính cách riêng nổi bật của mỗi nhân vật.

– Hình ảnh của người Việt Nam yêu nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được miêu tả chân thực qua các nhân vật: Ông Hai (tác phẩm Làng), anh thanh niên (Lặng lẽ Sa Pa), ông Sáu và bé Thu (Chiếc lược ngà), ba nữ thanh niên xung phong (Những ngôi sao xa xôi).

– Ở họ đều ánh lên vẻ đẹp yêu nước nồng nàn, cống hiến hết mình cho Tổ quốc (chiến đấu bảo vệ và hăng say lao động vì đất nước).

– Ông Hai:

+ Yêu làng sâu nặng

+ Yêu nước thiết tha, đặt hết niềm tin vào Cách mạng, vào kháng chiến, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì đất nước

– Ông Sáu:

+ Yêu con tha thiết, luôn mong nhớ con, trông mong từng ngày từng giờ để được gặp con

+ Hy sinh tình cảm riêng, thậm chí hy sinh bản thân để chiến đấu vì Tổ quốc

– Bé Thu:

+ Có tình yêu ba mãnh liệt

+ Hồn nhiên, ngây thơ nhưng rất có cá tính, cứng cỏi, yêu ghét rạch ròi

– Ba cô thanh niên xung phong: Thao, Phương Định, Nho

+ Có tâm hồn trong sáng, mơ mộng, lạc quan, yêu đời

+ Tinh thần yêu nước, gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu

+ Tình động đội gắn bó sâu nặng

– Anh thanh niên:

+ Nhiệt thành, hiếu khách, biết quan tâm tới người khác

+ Yêu công việc, có trách nhiệm cao với công việc được giao, âm thầm cống hiến cho Tổ quốc

+ Ngăn nắp, nghiêm túc, lạc quan trong cuộc sống

Câu 4: Trong các nhân vật mà em được gặp gỡ qua những tác phẩm truyện đã được học trong chương trình ngữ văn lớp 9, em ấn tượng nhất với nhân vật nào? Nêu cảm nghĩ của bản thân em về nhân vật ấy.

Trong số các nhân vật trong những tác phẩm truyện đã học, em ấn tượng nhất với nhân vật “Ông Hai” trong truyện ngắn “Làng” của tác giả Kim Lân.

Ông Hai có nhiều nét đẹp tâm hồn cao quý, đáng trân trọng. Trước hết là tình yêu làng quê tha thiết. Ông Hai rời làng đi tản cư nhưng không bao giờ thôi nhớ về làng. Ông rất yêu và tự hào về làng Chợ Dầu, lúc nào cũng khoe về làng và mong được trở về làng. Ông cũng là người yêu nước và yêu cách mạng. Ông theo dõi từng tin tức về kháng chiến, hân hoan khi nghe tin quân ta đánh được giặc, ông vui như thể đấy là chuyện của ông, ông vui trong niềm vui của dân tộc.

Khi nghe tin làng của ông thành Việt gian theo giặc, ông vô cùng bàng hoàng, đau xót, tủi hổ. Ông từng chớm có suy nghĩ trở về làng nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn theo Cách mạng, theo kháng chiến, “làng thì yêu thật nhưng làng theo tây mất rồi thì phải thù”. Quá trình đấu tranh nội tâm ấy không hề dễ dàng, một người yêu và tôn thờ làng, coi làng như một điểm tựa tinh thần nay lại phải lựa chọn bỏ làng. Không điều gì đau xót hơn thế! Nhưng trên tất cả, tình yêu nước vẫn là tình yêu bất diệt, niềm tin vào cách mạng vẫn là ngọn lửa rực cháy, soi đường cho ông.

Để rồi khi tin làng theo giặc được cải chính, ông như được hồi sinh. Vậy là làng không theo giặc, làng của ông vẫn rất đáng tự hào. Nhà ông Hai bị giặc đốt sạch nhưng ông lại háo hức đi khoe, bởi đó là minh chứng cho việc làng Chợ Dầu không phải Việt gian, tình yêu làng của ông vẫn có thể song hành với tình yêu Tổ Quốc.

Ông Hai là đại diện cho một thế hệ yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông rất yêu quê hương nhưng tình yêu làng quê phải gắn với tình yêu đất nước. Một khi làng không còn theo cách mạng thì ông sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của dân tộc. Ông Hai là nhân vật xứng đáng được ngợi khen với những nét đẹp giản đơn mà cao quý.

Câu 5: Những tác phẩm truyện trong chương trình lớp 9 đã được trần thuật theo các ngôi kể nào? Những truyện nào nhân vật kể chuyện xuất hiện và xưng là “tôi”? Sử dụng ngôi kể này có ưu điểm gì?

Các tác phẩm được kể theo các ngôi kể:

– Ngôi kể thứ nhất (Người kể chuyện xưng “tôi”, “chúng tôi”, kể lại những gì đã được trải qua, chứng kiến) : Chiếc lược ngà; Những ngôi sao xa xôi

– Ngôi kể thứ ba (Người kể giấu mình nhưng biết hết mọi diễn biến câu chuyện) : Làng; Lặng lẽ Sa Pa

– Ưu thế của ngôi kể thứ nhất:

+ Dễ dàng trong việc việc miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật. Người kể có thể trực tiếp nói lên những suy nghĩ, cảm xúc của mình.

+ Mối quan hệ giữa người kể – người đọc trở nên gần gũi, giúp truyền tải ý nghĩa, nội dung câu chuyện dễ dàng hơn.

+ Tăng sức thuyết phục cho câu chuyện, người đọc thấy tin tưởng hơn vào câu chuyện.

Câu 6: Những truyện nào tác giả đã tạo ra được tình huống truyện đặc sắc?

– Làng: Tình huống ông Hai nghe tin làng theo giặc

→  Tình huống thử thách nhân vật để nhân vật bộc lộ tính cách, phẩm chất.

→  Thể hiện tình yêu làng, yêu nước sâu đậm của nhân vật ông Hai.

– Lặng lẽ Sa Pa: Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa những con người xa lạ trong thời gian ngắn ngủi

→  Khiến tiết tấu câu chuyện nhanh hơn.

→  Thấy được vẻ đẹp của những con người đang cống hiến thầm lặng cho Tổ quốc. Qua đó, ta cũng thấy được lý tưởng sống, quan niệm sống cao đẹp của nhân vật anh thanh niên.

– Chiếc lược ngà:

+ Bé Thu không nhận cha, đến lúc con nhận cha thì ông Sáu lại phải ra chiến trường

→  Thể hiện tình cảm cha con thiêng liêng, sâu nặng.

+ Ông Sáu làm chiếc lược ngà tặng con nhưng chưa kịp tặng đã hy sinh

→ Tình cảm cha con bất diệt trong hoàn cảnh éo le của cuộc chiến.

– Bến quê: Khi còn trẻ, Nhĩ đi khắp mọi nơi, ngắm biết bao cảnh đẹp nhưng lại bỏ lỡ vẻ đẹp nơi bãi bồi quê hương và tình cảm gia đình. Đến cuối đời, khi ông nhận ra vẻ đẹp của bến quê thì lại không còn cơ hội để đến đó nữa.

→  Nhắc nhở mọi người về sự trân trọng giá trị gia đình và những vẻ đẹp bình dị của quê hương.

Các bài viết liên quan

Ngày Dự án Khối Trung học – Hàng loạt Dự án học tập ý nghĩa được “trình làng”

Sau nhiều thời gian ấp ủ và xây dựng, Ngày Dự án Khối Trung học đã chính thức được khởi động với hàng loạt các Dự án ý nghĩa được các bạn học sinh báo cáo. Trong hoạt động đầu tiên của Ngày Dự án, các Teen đã có dịp đi du lịch vòng quanh thế giới, đến với nhiều điểm hẹn văn hóa khác nhau với Dự án GLOBAL FAIR.

Tiểu học

Bí kíp kỳ thi – Chuyện bây giờ mới kể

Vậy là các EddieTeen đã vượt qua kì thi học kì I một cách thành công! Chúng tớ đã học tập thật sự rất chăm chỉ đấy. Để có được những bài thi với kết quả rực rỡ, ngoài sự chỉ dạy của các Thầy Cô và sự cố gắng của chính chúng tớ, phải kể đến sự giúp sức của cả lớp nữa đó.

Tiểu học

Eddie Trung học – Khám phá những giá trị văn hóa 54 dân tộc anh em

Một hành trình thú vị của các Eddie Trung học trong Học kì I lần này chính là chuyến đi khám phá Làng Văn hóa - Du lịch Các dân tộc Việt Nam.

Tiểu học