Làm thế nào để đồng hành cùng con?
04/08/2022Dù ở bất cứ độ tuổi nào thì đồng hành cùng con vẫn luôn là điều vô cùng quan trọng và cần thiết, có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời của trẻ. Ở mỗi độ tuổi con sẽ cần những phương pháp đồng hành khác nhau. Vậy bố mẹ đã biết làm thế nào để đồng hành cùng con qua từng giai đoạn cuộc đời chưa? Cùng trường Edison khám phá ngay nhé.
I. Tầm quan trọng của việc đồng hành cùng con:
Nuôi dạy con trưởng thành chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bên cạnh vấn đề ăn uống, học tập, vui chơi, trẻ cũng cần được quan tâm đến đời sống tinh thần, được bố mẹ quan tâm, giúp đỡ đúng lúc.
Đồng hành cùng con không chỉ đơn thuần là ở bên con mọi lúc, mọi nơi, giúp đỡ con mọi việc. Người “đồng hành” thành công là người được con tin tưởng và nghĩ tới đầu tiên khi cần tâm sự, là người trao niềm tin và tri thức để con tự tin đối mặt với mọi sóng gió cuộc đời.
Nghiên cứu cho thấy, trẻ được bố mẹ quan tâm, đồng hành trong quá trình trưởng thành sẽ có những biểu hiện tích cực về nhận thức, vững vàng tâm lý, tự tin và phát triển tốt. Ngược lại, bố mẹ không quan tâm đến con, phó mặc con sẽ dễ khiến con gặp phải các vấn đề tâm lý, ngày càng xa cách bố mẹ và có những quyết định sai lầm.
II. Phương pháp đồng hành cùng con ở mỗi giai đoạn:
1. Giai đoạn 1 – 3 tuổi:
a. Tâm lý của trẻ 1 – 3 tuổi:
Giai đoạn 1 – 3 tuổi được xem là giai đoạn “vàng” để bố mẹ đồng hành cùng con. Ở lứa tuổi này, các bé thường sẽ có những thay đổi nhanh chóng về mặt tâm lý. Con đã có suy nghĩ riêng của bản thân, có những biểu hiện chống đối, bạo lực khi không thích hay khóc lóc, ăn vạ để đạt được mục đích. Con cũng sẽ học và ghi nhớ rất nhanh ở giai đoạn này, những tính cách, thói quen tốt hay xấu sau này của con phần lớn được hình thành từ đây.
b. Phương pháp đồng hành cùng con trong giai đoạn 1 – 3 tuổi:
Để đồng hành cùng con giai đoạn tuổi lên 3, bố mẹ hãy nhớ kỹ quy tắc: BÌNH TĨNH – KHÔNG THỎA HIỆP – TÔN TRỌNG CON
Khi đối mặt với cơn giận hay đòi hỏi của trẻ, nhiều bố mẹ thường mất bình tĩnh, quát con nặng lời hay thậm chí dùng đòn roi để con nghe lời hơn. Tuy nhiên điều này sẽ khiến con trở nên sợ hãi, thu mình hoặc có những biểu hiện lầm lì, khó bảo.
Điều bố mẹ cần làm khi con ăn vạ, đòi hỏi vô cớ hay không vâng lời là “Hãy bình tĩnh” và “Không thỏa hiệp”. Hãy giải quyết cơn giận của con bằng việc im lặng, chờ đến khi con thôi khóc lóc và giải thích cho con hiểu. Bố mẹ cũng hãy tôn trọng sở thích của con nếu điều đó không quá đáng, tránh áp đặt con, bắt con làm theo mọi suy nghĩ của mình.
Ở lứa tuổi này, các bé cũng học rất nhanh. Bố mẹ hãy cho con tiếp xúc với những nguồn tri thức chuẩn, rèn cho con làm một số việc tự lập đơn giản và tránh để con học thói xấu vì những thói quen này sẽ theo con suốt quãng đường dài.
2. Giai đoạn vào lớp 1:
Đây là bước chuyển biến quan trọng đầu tiên trong cuộc đời của con. Trẻ chuyển từ trường mẫu giáo – nơi được các cô chăm nom từ bữa ăn, giấc ngủ sang môi trường tự lập hơn, tập trung học tập và rèn luyện nhiều.
Đối với trẻ ở giai đoạn này, bố mẹ hãy cùng con vượt qua những bỡ ngỡ trường lớp, động viên và làm công tác tư tưởng để con nhanh thích nghi với môi trường mới. Bố mẹ có thể chuẩn bị cho bé những chiếc balo xinh xắn, đồ dùng học tập có hình con yêu thích để con hứng thú hơn với việc đến trường. Hãy cố gắng tâm sự với con để biết được một ngày đi học con cảm thấy thế nào, từ đó có những điều chỉnh hợp lý.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần chuẩn bị cho con hành trang thật vững chắc để vào lớp 1. Thay vì bao bọc và làm giúp con mọi việc, bố mẹ hãy dạy con những việc cơ bản như: Tự vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo, biết cách sắp xếp sách vở hay nghe theo báo thức để dậy đi học mà không cần bố mẹ nhắc nhở. Những việc này không khó nhưng cần thời gian để con quen và tạo thành thói quen hàng ngày của bé.
3. Giai đoạn tuổi dậy thì:
Tuổi dậy thì là lứa tuổi rất nhạy cảm, khiến bố mẹ gặp nhiều khó khăn khi đồng hành cùng con. Con có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, có những tâm tư khó nói nhưng lại thường thu mình và không muốn kể nhiều với bố mẹ. Vì vậy, bố mẹ cần quan tâm con đúng lúc, đúng cách để cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.
Bố mẹ hãy chủ động hỏi thăm con về tình hình trường lớp, bạn bè, luôn cho con biết rằng bố mẹ luôn ở bên và sẵn sàng lắng nghe, giúp đỡ con. Ở độ tuổi này, con sẽ có những thay đổi về sinh lý, điều tốt nhất là mẹ sẽ tâm sự và chỉ dẫn con gái, bố sẽ làm bạn cùng con trai. Những vấn đề về tình dục, sức khỏe sinh sản cũng cần được trao đổi để giúp con có cái nhìn đúng đắn hơn.
Đây cũng là độ tuổi các con phát triển nhất về thể chất. Sức ăn của các bạn nam sẽ tăng đến mức ngạc nhiên. Việc bổ sung thực phẩm và các chất dinh dưỡng sẽ giúp con phát triển chiều cao nhanh chóng. Ngược lại, các bạn nữ sẽ có tâm lý ăn ít hơn vì sợ tăng cân. Bố mẹ hãy quan tâm hơn về dinh dưỡng và chế độ tập luyện cho con để con được đảm bảo sức khỏe.
4. Giai đoạn 17 tuổi:
17 tuổi là lúc con phải lựa chọn ngã rẽ cho chính cuộc đời mình. Con sẽ rất áp lực trước việc thi ngành gì, học trường gì, nên học đại học hay học nghề, có nên đi du học hay không?… Bố mẹ hãy cố gắng tìm hiểu để biết được sở thích cũng như khả năng của con và giúp con định hướng tốt nhất.
Tuổi 16 – 17 cũng là thời điểm con dễ rơi vào các mối quan hệ tình cảm với bạn khác giới. Thay vì cấm đoán hay trách mắng con, bố mẹ nên tâm sự và nêu rõ cho con những điểm tốt – xấu của tình yêu tuổi học trò, xác định rõ cho con mục tiêu quan trọng nhất vẫn là học tập. Bố mẹ nên tránh việc kiểm soát và ép buộc con vì dễ khiến con nảy sinh tâm lý chống đối, trả thù, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
5. Giai đoạn trưởng thành:
Khi con đã qua 18 tuổi, bắt đầu rời xa bố mẹ để sống tự lập. Việc đồng hành của bố mẹ không còn là “cùng đi” với con nữa. Có những rắc rối con gặp bố mẹ không thể hiểu và giúp con giải quyết. Điều cần thiết lúc này là sự lắng nghe và đưa ra những lời khuyên để con có quyết định tốt nhất cho bản thân.
III. Những lưu ý trong quá trình đồng hành cùng con:
“Đồng hành” là đi cùng. Giống như tên gọi của nó, bố mẹ chỉ có thể đi cùng con trên chặng đường phát triển, không thể đi thay con. Điều cần thiết để con có thể vững bước trên chính đôi chân của mình là được bố mẹ quan tâm, chuẩn bị hành trang đầy đủ về kiến thức và kỹ năng cần thiết. Bố mẹ dù có thương con đến mấy cũng không nên can thiệp quá nhiều và bắt con làm theo mọi quyết định của bố mẹ, như vậy sẽ khiến việc đồng hành cùng con phản tác dụng. Không những không giúp con vượt qua khó khăn, trái lại làm con thêm áp lực, thậm chí khiến con mắc các bệnh tâm lý.
Dù là giai đoạn nào thì đồng hành cùng con vẫn luôn dựa trên nguyên tắc TÔN TRỌNG – Tôn trọng quyền riêng tư, suy nghĩ, quyết định và ước mơ của con.
10/08/22
Ngày Dự án Khối Trung học – Hàng loạt Dự án học tập ý nghĩa được “trình làng”
Sau nhiều thời gian ấp ủ và xây dựng, Ngày Dự án Khối Trung học đã chính thức được khởi động với hàng loạt các Dự án ý nghĩa được các bạn học sinh báo cáo. Trong hoạt động đầu tiên của Ngày Dự án, các Teen đã có dịp đi du lịch vòng quanh thế giới, đến với nhiều điểm hẹn văn hóa khác nhau với Dự án GLOBAL FAIR.
Tiểu học
10/08/22
Bí kíp kỳ thi – Chuyện bây giờ mới kể
Vậy là các EddieTeen đã vượt qua kì thi học kì I một cách thành công! Chúng tớ đã học tập thật sự rất chăm chỉ đấy. Để có được những bài thi với kết quả rực rỡ, ngoài sự chỉ dạy của các Thầy Cô và sự cố gắng của chính chúng tớ, phải kể đến sự giúp sức của cả lớp nữa đó.
Tiểu học
10/08/22
Eddie Trung học – Khám phá những giá trị văn hóa 54 dân tộc anh em
Một hành trình thú vị của các Eddie Trung học trong Học kì I lần này chính là chuyến đi khám phá Làng Văn hóa - Du lịch Các dân tộc Việt Nam.
Tiểu học