“Open Mind” – “Tâm thế luôn chủ động, cởi mở, sẵn sàng cập nhật” sẽ quyết định những điều còn lại

“Open Mind” – “Tâm thế luôn chủ động, cởi mở, sẵn sàng cập nhật” sẽ quyết định những điều còn lại

“Open Mind” – “Tâm thế luôn chủ động, cởi mở, sẵn sàng cập nhật” sẽ quyết định những điều còn lại

Thứ tư, 13/11/2024

Góc nhìn Chuyên mục mang tới Góc nhìn của các nhà giáo, chuyên gia, phụ huynh, học sinh… về giáo dục và con đường chúng ta lựa chọn cho thế hệ trẻ và tương lai. Chuyên mục xin giới thiệu bài phỏng vấn mở màn với cô Cô Lê Tuệ Minh – Chủ tịch Hội đồng Trường – Hệ thống Trường PTLC Edison.

Emily Dickinson đã viết, “Not knowing when the Dawn will come, I open every Door” – Khi không biết bao giờ Bình minh tới, tôi sẽ mở hết các Cánh cửa”.

Đây là một câu nói chị đã từng trích dẫn trong một bài phát biểu khai giảng tại Edison. Theo chị, “các cánh cửa” ở đây là những gì?

Cô Lê Tuệ Minh: Là những “cánh cửa” mở ra với cả thế giới, những “cánh cửa” mở ra với những điều mới mẻ, những ý tưởng mới, những tầm nhìn mới, những điều chúng ta chưa hề biết đến… Đó cũng chính là “cánh cửa” ngăn giữa tư duy lối mòn và những định kiến có sẵn trong mỗi chúng ta với thế giới rộng lớn đa dạng, mới mẻ, khác biệt và nhiều bất ngờ ngoài kia…. Và khi mở được những “cánh cửa ngăn cách” đó, tâm trí và tầm nhìn của chúng ta thực sự được cởi trói, ta sẽ nhìn được xa hơn, rộng hơn, sâu hơn, hiểu được nhiều điều hơn, thấy được nhiều cơ hội hơn, khao khát và ước mơ nhiều hơn…

Khi chọn tên cho các tòa nhà của E.D.I.S.O.N, tôi đã dùng chữ O – “Open Mind” để đặt cho tòa nhà khối Trung học – các em học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành. Tâm thế chủ động, cởi mở, sẵn sàng “mở hết các cánh cửa” giới hạn của bản thân là điều tôi mong đợi đối các thầy cô và đặc biệt là các em học sinh Edison trước một tương lai đang rộng mở trước mắt. Tâm thế đó sẽ quyết định tầm nhìn, cách tư duy, cảm xúc, lựa chọn và hành động của tất cả chúng ta!

Phải chăng “Open Mind” là điều tối cần thiết trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay?

Cô Lê Tuệ Minh: “Toàn cầu hóa” không còn là khái niệm xa vời nữa. Trước đây, toàn cầu hóa được hiểu ở tầm vĩ mô, liên quan nhiều tới chính trị, chính sách, thương mại và những rào cản biên giới, khoảng cách… Nhưng công nghệ, Internet đã làm thay đổi tất cả. Trước đây, các nước lập ra chính sách để bảo hộ lao động, nền sản xuất, hàng rào thuế quan… nhưng hiện nay những điều đó không còn nhiều giá trị như trước. Các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng thanh toán đã có những bước phát triển vượt bậc, thâm nhập mọi ngóc ngách trên thế giới. Năng lực toàn cầu hóa của nguồn nhân lực các quốc gia cũng thay đổi và dòng chảy nhân sự giờ cũng không còn nhiều giới hạn giữa các nước. Khi các rào cản hay ranh giới bị xóa nhòa, dù là các quốc gia hay mỗi con người đều phải nỗ lực để đối mặt với cách cạnh tranh, thách thức và rất nhiều các cơ hội mới không chỉ trong nước mà còn ở tầm khu vực và trên toàn cầu. Tâm thế “Open Mind” chính là điểm khởi đầu cho hành trình phát triển tương lai của mỗi cá nhân và của cả động đồng trong thời đại toàn cầu hoá này.

Những điều này sẽ liên quan thế nào đến giáo dục, thưa chị?

Cô Lê Tuệ Minh: Giáo dục góp phần hình thành và xây dựng năng lực cho con người không chỉ cho hiện tại mà hướng đến tương lai lâu dài trong một thế giới đa dạng và kết nối. Chính vì vậy, giáo dục chính là điểm khởi đầu để hình thành nhân sinh quan, tầm nhìn cho mỗi người và từ đó, các em có thể xác định được hướng đi và hành trình của mình. Giáo dục mới chính là lĩnh vực cần “Open Mind” nhất. Nhà trường, các thầy cô, các phụ huynh và các em học sinh thực sự cần một tâm thể cởi mở và chủ động cập nhật với thực tế để hiểu những gì chúng ta đang phải đối mặt và cần chuẩn bị cho tương lai như thế nào. Trước đây, nền giáo dục mang tính chất áp đặt với chỉ một chương trình, một bộ sách giáo khoa, một hướng đi duy nhất. Đại học và việc làm cũng có một số “công thức, định nghĩa” khá cố định về trường top, về công việc tốt – “ổn định, lương cao”, về thành công… Điều đó vô tình tạo thành những “định kiến” về hướng đi cho lớp trẻ.

Nhưng công nghệ, AI và toàn cầu hoá đã làm xã hội thay đổi và các lĩnh vực công việc biến động rất nhiều và chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải luôn giữ tâm thế và tầm nhìn “Open Mind”, bắt đầu từ việc tự giáo dục và giáo dục với học sinh.

Vì vậy, khi mở một ngôi trường mới như Wellspring 15 năm hay Hệ thống Edison 8 năm trước, kim chỉ nam của tôi là truyền được tâm thế, cảm hứng “Open Mind” cho đội ngũ giáo viên, nhân viên trước tiên, sau đó mới bắt đầu câu chuyện với học sinh.

“Giáo dục muốn mang đến sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống tương lai, nó phải chính là cuộc sống hiện tại đã.”

Thế hệ học trò ngày nay đã thay đổi như thế nào so với thời điểm chị bắt đầu con đường giáo dục?

Cô Lê Tuệ Minh: Con người là phản ánh của chính thực tế cuộc sống thời đại mình. Cuộc sống trong 3-5 năm gần đây đã có quá nhiều thay đổi, chưa nói đến sau đây 15 năm.

Đối với tuổi trẻ, các em đang có sự học hỏi mạnh mẽ, có hai yếu tố tác động cơ bản nhất. Yếu tố khách quan khi xã hội thay đổi, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phát triển như vũ bão. Yếu tố chủ quan thể hiện ở việc ngày càng nhiều bạn được tiếp cận với chương trình, phương pháp giáo dục mới, có tư duy phản biện, từng bước thoát được sự thụ động, áp đặt như trước.

Chính vì vậy, các nhà quản lý trường học phải cập nhật để theo kịp được xã hội và cụ thể là sự phát triển của chính học sinh. Ở môi trường mà tôi dày công xây dựng, các bạn được phản biện, muốn phản biện thì phải học hỏi. Và khi học trò đã được tạo điều kiện để học hỏi, cởi mở để phản biện thì các thầy cô cũng phải thay đổi trước, nếu không sẽ tụt hậu trước chính học trò của mình.

Vậy áp lực đối với thầy cô giáo ngày nay là gì ạ?

Cô Lê Tuệ Minh: Áp lực học hỏi, cập nhật giờ đây nặng hơn rất nhiều. Khái niệm truyền thụ kiến thức dần không còn nữa, mà phải luôn đồng hành hướng dẫn học sinh, tạo động lực cho các bạn khai phá kiến thức. Bởi bên cạnh người thầy trong nhà trường, còn nhiều “người thầy” khác như Internet, AI, và có thể chắc chắn rằng “không một thầy cô nào nhiều kiến thức bằng Internet hay trí tuệ nhân tạo”.

Vậy làm cách nào để thầy cô và trường học không bị thay thế? Đó chính là bài toán mà chúng tôi trăn trở để đưa ra lời giải. Chỉ có thể là “Open Mind” – tư duy cởi mở để tạo nên năng lực tự phát triển, hành động.

Nếu học sinh chỉ thu nhận kiến thức không có mục đích, không có môi trường ứng dụng hay phản biện, thì kiến thức dù mênh mông trên Internet cũng là kiến thức chết. Học sinh phải được truyền cảm hứng từ thầy cô để biến những kiến thức đó trở nên sống động và có ích.

“Let’s make school an irreplaceable place to learn & grow – Hãy biến trường học thành nơi không thể thay thế để học hỏi và lớn lên” – Chủ đề của cuộc thi Editeach – cuộc thi giáo viên sáng tạo diễn ra trong suốt năm học này là như vậy.

“Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi.” (Lỗ Tấn)

Làm thế nào để các thầy cô tự nguyện làm những việc khác với những gì đã được học hoặc đã từng làm, ngay cả khi chưa đo đếm được thành công?

Cô Lê Tuệ Minh: Một dẫn chứng điển hình nhất về tầm nhìn và tư duy luôn được mở ra vượt cả hiện thực chính là nhà phát minh Thomas Edison. Ông đã thất bại hơn 10.000 lần để phát minh ra bóng đèn, nhưng không bao giờ gọi đó là thất bại, mà xem đó như những cơ hội để học hỏi. Edison từng nói rằng: “Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình”.

Trước khi có bóng đèn điện của Edison, nhân loại chưa có ánh sáng đèn điện chiếu sáng với cường độ lớn trong nhiều giờ, cũng chưa có hệ thống điện lưới và phân phối, chưa thể nghe được âm nhạc nào ngoài các buổi biểu diễn trực tiếp và không có khái niệm về phim ảnh.

Điều tôi đang làm hằng ngày, hằng giờ là truyền được tâm thế “Open Mind” cho đội ngũ đồng hành kể từ Ban Giám hiệu đến từng giáo viên và nhân viên. Nếu chúng ta chỉ tự bằng lòng với hiện tại và thực hiện những gì đang có thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự đào thải mình và sẽ dễ dàng bị thay thế, bởi vì tất cả đang thay đổi đặc biệt là các thế hệ học trò của chúng ta. Chúng đang không ngừng lớn lên và tự học rất nhiều thứ với sức mạnh của tuổi trẻ, sức mạnh của công nghệ, Internet và AI.

Quan điểm của tôi là con người sẽ không thay đổi nếu chưa hiểu được lợi ích, mục tiêu, động lực. Không thể đòi hỏi đào tạo giáo viên liên tục cả offline và online trong ngày nghỉ nếu thầy cô không thấy lợi ích trong việc cải thiện hiệu suất công việc, thiết kế hoạt động thú vị cho học sinh – cũng chính là môi trường của con em họ sau này. Không thể đòi hỏi họ liên tục sáng tạo, nghĩ ra cái mới nếu điều đó không có tác động trực tiếp, tích cực và rất nhanh chóng tới học sinh. Bình thường, công việc của giáo viên cũng đã rất vất vả rồi, ngoài những lợi ích về chính sách, cơ chế, lương thưởng thì “Open Mind” trong công việc cũng sẽ có những ảnh hưởng tích cực tới quan điểm sống của mỗi người. Cả tập thể giáo viên như vậy sẽ góp phần ảnh hưởng tích cực tới nhận thức của học sinh.

“Các con mới chính là công dân của thế hệ số – không phải chúng ta. Gen Z bây giờ có hai cuộc sống, cuộc sống offline và cuộc sống online – chưa kể các sự phát triển khác nữa.”

Chị làm thế nào để thuyết phục cha mẹ học sinh cũng cởi mở với chương trình giáo dục?

Cô Lê Tuệ Minh: Trong một khuôn khổ nào đó, các lãnh đạo trường, thầy cô trong nhà trường hiểu và tuân thủ các cơ chế do nhà trường hình thành. Phụ huynh là những người độc lập, có nền tảng, học thức và đã hình thành quan điểm riêng của mình. Tuy cách thể hiện khác nhau, nhưng theo tôi quy tắc bất di bất dịch là con người sẽ hành động nếu hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích.

Trường Song ngữ Wellspring thành lập cách đây 15 năm – khi mô hình trường tư thục còn rất mới, phương châm đầu tiên của tôi là “chia sẻ thông tin”. Hơn ai hết, phụ huynh chính là người vì lợi ích tương lai của con em mình – khi đã chọn môi trường tư thục là đã tìm kiếm những điều mới mẻ, mang lại nhiều hiệu quả hơn so với các môi trường truyền thống. Đấy là tiền đề đầu tiên các cha mẹ đồng cảm với tôi.

Ngoài thông tin từ nhà trường, Phụ huynh còn tiếp cận luồng thông tin từ xã hội, môi trường làm việc, từ nhận thức của chính họ. Vì vậy, tôi luôn đề cao thông tin hữu ích, thẳng thắn, cập nhật từ nhà trường. Tôi mong muốn việc “học làm cha mẹ” ở Việt Nam được coi trọng hơn là việc trông chờ vào kinh nghiệm. Bởi xã hội trước đây chưa có Internet, các con mới chính là công dân của thế hệ số, không phải chúng ta. Gen Z, tiếp theo là Gen Alpha bây giờ có hai cuộc sống, cuộc sống offline và cuộc sống online – chưa kể các sự phát triển khác nữa. Nên việc lấy trải nghiệm, kinh nghiệm của bố mẹ, ông bà ở khía cạnh nào đó cũng chưa thật toàn diện.

Vì vậy, tôi mong rằng chúng ta hãy “Open Mind” ngay cả với những gì chúng ta đã biết. Người lớn càng cần “Open Mind” hơn nữa, vì không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn với cả con em mình.

Vì sao Edison đã và sẽ tiếp tục mở nhiều hội thảo, workshop cho chính học sinh và phụ huynh? Chúng tôi luôn mong muốn cung cấp những thông tin thiết thực nhất về sự thay đổi của giáo dục, công nghệ trong giáo dục, các hình thức đánh giá, thi cử, xét tuyển các cấp học.

Và điều chúng tôi mong muốn nhất là vạch ra được lộ trình cho mỗi cá nhân học sinh để đạt hiệu quả cao nhất trong học tập, chọn ngành nghề, tạo lập cho tương lai.

Một hành trình rất dài để thuyết phục đội ngũ, các con học sinh, phụ huynh… Chị thấy mình có vất vả quá không, thay vì theo con đường truyền thống, an toàn hơn?

Cô Lê Tuệ Minh: (Trầm ngâm) Đúng là rất vất vả, có thể có những thầy cô, phụ huynh học sinh chưa hiểu hết, đặt câu hỏi “Tại sao luôn luôn phải vận động, phải “Open Mind” để vất vả điều chỉnh cập nhật liên tục như vậy?”.

Bởi vì thế giới xung quanh chúng ta đang sống chưa bao giờ đứng yên và ngày càng thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

Ta cũng không thể chỉ dừng lại thỏa mãn với những chương trình giáo dục hiện có, những năng lực cần được trang bị theo công thức cũ để sống trong 1 xã hội của tương lai. Sự phát triển của xã hội, của công nghệ, của AI hay những thách thức như thiên tai, dịch bệnh hay biến đổi khí hậu luôn chuyển động không ngừng. Ngày nào chúng ta đang dừng lại là ngày đó chúng ta tụt lại một bước so với sự phát triển của xã hội và cạnh tranh toàn cầu.

Cá nhân tôi cũng cần động lực, mà động lực lớn nhất chính là mang lại nhiều lợi ích cho tương lai của học sinh. Sau tất cả, những vất vả, mệt mỏi sẽ tan biến khi thấy kết quả hành trình đó đơm hoa kết trái trên chính từng ngôi trường, từng giáo viên và các thế hệ học sinh của mình. Tôi tin là các thầy cô giáo, nhân viên, các phụ huynh… đang đồng hành cùng tôi trên con đường này cũng thấy rõ được ý nghĩa của tâm thế “Open Mind” được kết tinh trong chính những thế hệ học sinh, con em mình trưởng thành từ mái trường Edison – luôn chủ động, cởi mở và sẵn sàng học hỏi cái mới.

Xin cảm ơn chị!

Các bài viết liên quan

Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa Edison Schools và Đại học Inje, Hàn Quốc

Edison Schools đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Inje – một trong những ngôi trường đại học hàng đầu tại Hàn Quốc. Thỏa thuận này mở ra những cơ hội quý giá cho các Editeens, từ chương trình học bổng đến các khóa học chuyên sâu, […]

Trung học phổ thông

“Open Mind” – “Tâm thế luôn chủ động, cởi mở, sẵn sàng cập nhật” sẽ quyết định những điều còn lại

Góc nhìn Chuyên mục mang tới Góc nhìn của các nhà giáo, chuyên gia, phụ huynh, học sinh… về giáo dục và con đường chúng ta lựa chọn cho thế hệ trẻ và tương lai. Chuyên mục xin giới thiệu bài phỏng vấn mở màn với cô Cô Lê Tuệ Minh – Chủ tịch Hội […]

Tin tức chung

Hội thảo trực tuyến: Hàn Quốc – Lộ trình du học mở ra cơ hội lớn với chi phí trong tầm tay

Hội thảo do Văn phòng Tư vấn – Hướng nghiệp & Đại học – Du học Edison (UCC) tổ chức đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích dành cho các phụ huynh và học sinh Edison Schools với chủ đề du học Hàn Quốc. Hội thảo đã mang đến góc nhìn mới mẻ và […]

Tin tức chung