Phạm Song Linh – Đạt Học bổng 50% vào Tokyo International University
6 năm về trước, vào năm học đầu tiên của Edison Schools, cứ hơn 4h chiều là các thầy cô thấy một bạn trai có nụ cười hiền, gương mặt sáng, khoác trên người một chiếc áo đồng phục khác biệt bước vào trường. Đều đặn như vậy trong suốt một năm trời, con bắt xe bus nội khu tới đón em trai tan học về.
Năm học sau, cậu em lên lớp 3, còn người anh có gương mặt sáng ấy thì thay đổi giờ giấc, đều đặn tới trường vào 7:30, đi thẳng lên tòa C và vào lớp 8B1.
“Con vẫn cảm ơn năm lớp 1 “sóng gió” của em Uy Long. Vì năm học đó em con hơi nghịch nên mẹ muốn chuyển em sang môi trường khác xem có hợp hơn không. Hai anh em dắt nhau sang Edison thi, con trúng tuyển rồi nhưng với bản tính nhút nhát, con ngại thay đổi. Em con thì khác, em hòa nhập nhanh và phát triển rất tốt. Hết học kỳ 1, mẹ lại thuyết phục con một lần nữa. Và từ năm học thứ hai của Ngôi trường gạch đỏ, con đã trở thành một EddieTeen!”.
Song Linh nhận Học bổng ĐH Daekin
Có lúc nào con hối tiếc về quyết định đó của mình không?
Nếu ai đó có hỏi con về quyết định đúng đắn nhất trong 5 năm vừa qua thì chính quyết định này cô ạ. Quá trình học ở Edison đã thay đổi con rất nhiều, chỉ nửa năm học, con đã tự tin hơn, làm quen với nhiều bạn hơn. Môi trường Edison lúc đấy bé nhỏ hơn bây giờ, các thầy cô, các bạn đều dễ gần và hỗ trợ nhau. Con cũng lớn lên cùng Edison.
Con thấy điều gì ở mình “lớn lên” nhiều nhất?
Lúc nãy, cô có nói là mọi thứ ở con đều tròn trịa. Con thấy con chưa phải tròn hẳn cho lắm, mỗi thứ con đều tốt một chút. Học tốt là điều con luôn hướng tới, nhưng thực tế con chỉ xếp ở top 2, 3, chứ chưa phải top 1 ở lớp. Đẹp trai thì tùy mắt người, con vẫn có mụn và không cao bằng người khác (cười). Có 1 cái khá tròn là con khá tự tin.
Con nghĩ điều này xuất phát từ việc con chuyển sang Edison, con có nhiều bài thuyết trình và bài dự án, tham gia sự kiện rất nhiều. Trước đây, con không quen với việc tới nhà bạn để hợp tác làm việc nhóm, nhưng hóa ra, điều này rất vui. Năm lớp 10, con được làm MC một vài sự kiện. Sự tự tin tăng thêm từng ngày, không còn ngại như hồi trước nữa. Con nhìn nhận là không phải ai cũng hoàn thiện, ai cũng có chỗ đẹp, chỗ xấu, mình nên tự tin, tự thấy mình đẹp trước đã thì mới hy vọng người khác nghĩ tốt về mình.
Cô thấy con nói “Edison có rất nhiều sự kiện”. Có những người lại e ngại việc này sẽ ảnh hưởng tới học tập, con nghĩ sao về điều đó?
Sau 5 năm học tập tại Edison, đặc biệt là cấp THPT, con thấy chương trình của Edison được giảng dạy theo một cách khác biệt, thay vì học những cái hàn lâm quá thì con được học những thứ rất thiết thực và sáng tạo. Con cảm thấy được giảm bớt gánh nặng, hứng thú với môn học hơn, không còn cảm giác kiến thức quá khó, không tiếp thu nổi. Nhưng kiến thức mà chúng con có lại đầy đủ để đảm bảo các kỳ thi quốc gia.
Ví dụ từ năm trước, chúng con được tham gia dự án phim của các thầy cô tổ Văn. Với tác phẩm Chí Phèo, sau khi thầy cô giảng hết, chúng con được ôn tập bằng cách đóng phim, phải tự biên soạn lại, đào sâu về tính cách, bối cảnh của nhân vật, dựng lại kịch bản phim, chúng con được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau. Chí Phèo là một tác phẩm kinh điển của lớp 11, khi vào bài thi con thấy góc nhìn của mình sâu sắc và đa chiều hơn là chỉ đọc văn bản.
Môn Tiếng Anh có nhiều dự án liên quan đến luyện kỹ năng nói và viết. Trường mình thúc đẩy học sinh rất nhiều trong kỹ năng nói, thuyết trình, các cuộc thi như Edtalk (hùng biện tiếng Anh), Career Quest (tìm hiểu về nghề nghiệp bằng tiếng Anh) khi nói mình phải rời khỏi kịch bản, xử lý tình huống trên sân khấu, trước đám đông. Việc này giúp ích rất nhiều trong việc thi IELTS và du học.
Còn một điểm nữa là văn hóa của Edison, từ thầy cô và bạn bè luôn hỗ trợ nhau. Bước vào trường, cứ đi nửa bước chân là gặp một người quen và chào mọi người. Khi xa rồi con sẽ nhớ điều đó!
Thế còn với tư cách là “Chủ tịch Hội học sinh khoa Quốc tế”, con sẽ nhớ nhất điều gì?
Hồi lớp 10, con cùng hai người bạn tại Edison thi Hệ Song bằng Trường Ams. Hai bạn đỗ còn con thì trượt. Lúc đầu con cũng thấy buồn và nuối tiếc, nhưng các năm học THPT, con tham gia rất nhiều hoạt động, nên con nghĩ nhỡ đâu chuyển trường lại không được như bây giờ thì sao (cười).
Con được tiếp xúc với các bạn giỏi hơn, có các mối quan hệ khác trong trường, làm quen với nhiều người. Hội học sinh khoa Quốc tế là tập hợp của các học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Giao tiếp với bạn bè thì dễ rồi, nhưng giao tiếp với các em lớp dưới lại phải theo một cách khác. Khi họp hành, thảo luận, con sẽ phải biết cách dùng từ ngữ để từ lớp 6 đến lớp 12 đều cảm thấy dễ hiểu và thoải mái nhất. Điều này giúp con rất nhiều trong việc phỏng vấn đại học, con không ngại nói những từ “slang”, con luôn muốn tạo cho giám khảo thấy thoải mái, vui vẻ, để họ đỡ mệt hơn trong việc phỏng vấn ?.
Song Linh cùng các thành viên của ISC
Profile thời điểm này của con rất đáng tự hào, con thấy mình đã đi được bao nhiêu phần con đường rồi?
Con nghĩ mình đã đi được ½ chặng đường tới mục tiêu của mình rồi ạ.
Trong ½ chặng ấy, điều quan trọng nhất con đã làm được là gì và dự định của chặng đường kế tiếp là gì?
Nhiều yếu tố lắm cô ạ. Để con cân nhắc xem cái nào là yếu tố chủ chốt nhất. Con nghĩ bắt đầu từ việc chuẩn bị sớm hồ sơ, ngày từ khi bước vào mùa hè của năm lớp 11. Con đã có một thời gian dài để chuẩn bị, review lại, nhờ thầy cô giúp đỡ để có thể chuẩn bị tốt nhất cho chặng đường đã qua.
½ chặng đường sắp tới, con muốn cố gắng trúng tuyển các trường ĐH Việt Nam như Học viện Ngoại giao, con sẽ học và duy trì GPA tốt, tốt nghiệp với điểm số tốt. Con cũng lựa chọn các hình thức xét tuyển bằng điểm IELTS và học bạ. Và sẽ tập trung vào học tiếng Nhật để học tập song song cả hai ngôn ngữ Anh và Nhật ở bậc Đại học.
Theo con, yếu tố nào là quan trọng nhất trong lộ trình vào Đại học?
Con nghĩ mình có thể phân chia theo thứ tự sau đây:
– Sự tự chủ: mẹ con guide (hướng dẫn) con từ sớm. Nhưng trên thực tế, con tự làm tất cả, tìm thông tin tự tìm cách nộp hồ sơ. Con tự nhủ là mình không nên dựa dẫm vào bất cứ ai.
– Làm từ sớm: Xây dựng từ sớm mới có nền để bước tiếp, và đôi khi trong quá trình chuẩn bị sớm, mình còn thay đổi các mục tiêu khác nhau. Sớm thì có sai, có sửa.
– Sự tự tin: Khi nộp hồ sơ, con chưa bị trường nào từ chối cả. Nhưng thực lòng mà nói, con luôn luôn sẵn sàng cho tình huống này. Đôi khi không phải do mình kém, mà có thể do trường đó chưa thấy mình phù hợp. Con còn lên kịch bản an ủi bản thân, tự xem lại hồ sơ có gì cần sửa. Con nghĩ vẫn luôn cần duy trì sự tự tin (không phải là tự cao), đánh giá đúng bản thân chuẩn xác nhất để không bị nhụt chí.
– Và cuối cùng, hãy luôn tạo cho mình sự thoải mái, có quãng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cùng bạn bè… Như vậy mới có thể tìm lại được con đường của mình.
Cô đã thấy hình ảnh của mẹ, của em con trong câu chuyện của con. Có vẻ các thành viên trong gia đình con rất gắn bó và chăm sóc nhau?
Ôi con với em “combat” suốt cô ạ! Tuổi thơ của con khá bình yên cho tới khi em con sinh ra đến hết năm con học lớp 8 ?. Năm lớp 9, dịch bệnh nổ ra, ở với nhau suốt cả mấy tháng trời mà cãi nhau suốt thì không được! Hai anh em phải ngồi lại và cùng thay đổi để sống với nhau hòa thuận hơn ?.
Mẹ con là người gần gũi với con rất nhiều. Con nhận hầu hết các lời khuyên từ mẹ. Mẹ con tốt nghiệp Khoa tiếng Nhật, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, vì vậy mẹ đã giúp con tìm kiếm rất nhiều thông tin về cuộc sống, học tập và cả việc làm tại Nhật nữa. Bình thường, mẹ luôn tỏ ra chẳng quan tâm lắm, nhưng hóa ra, cái gì về con mẹ cũng lưu lại, nhớ hết và luôn “hiện ra” đúng lúc con cần.
Mẹ là thế, ít khi nói lời ngọt ngào với con, nên mỗi lần bày tỏ tình cảm với mẹ, con thường hay viết thư, làm thiệp, viết tặng mẹ bằng đủ thứ tiếng. Con nghĩ là mẹ con vui khi nhận được những món quà nhỏ như vậy.
Còn bố con thì sao? Cô chưa thấy bố con xuất hiện trong câu chuyện của con?
Bố con là người làm về luật, có rất nhiều kinh nghiệm về xử lý giấy tờ, hồ sơ. Con muốn là người tự chủ về việc chuẩn bị giấy tờ, nên tự làm tất cả. Nhưng con lúc nào cũng có cảm giác yên tâm vì bố luôn ở đó, sẽ chỉ bảo những lúc con cần.
Kiểu quan tâm của bố con khác lạ, nhường hết “slot” cho mẹ con nói. Con phát hiện ra là khi bố cần nói một điều gì đó, bố sẽ nhắn tin cho mẹ để mẹ nói. Có lúc mẹ cũng bảo nếu bố muốn thì bố hãy tự nói, bố cũng vẫn không nói trực tiếp, bố sẽ chọn nhắn tin cho con qua zalo, những tin nhắn rất dài, rất tình cảm và chân thật. Khi thực sự cần, bố và con ngồi với nhau như hai người đàn ông. Bố nói chuyện nhẹ nhàng, thấu hiểu và chưa bao giờ áp đặt con. Câu kết của bố luôn là: “Có thể con không gần gũi bố như mẹ, nhưng bố nghĩ rằng…”. Và những điều “bố nghĩ” luôn làm con thấm thía.
Đi du học Nhật Bản, là con sắp tạm biệt tất cả những điều thân thuộc ấy…
Những chuỗi ngày nghỉ gần đây, con không thích đi chơi nhiều nữa, con thích ở nhà để tận hưởng cảm giác bên gia đình. Và bắt đầu suy nghĩ cảm giác xa nhà sẽ ra sao. Con sẽ ở nhà thuê, tự nấu ăn và có khi cũng ăn một mình. Ở nhà con và mẹ sẽ cùng nhau nấu cơm. Mẹ tập cho con tự lập, nên mẹ sẽ đứng bên cạnh và hướng dẫn con làm cái này cái kia. Mẹ sẽ thái vài lát củ quả trước, vài miếng thịt trước và con sẽ làm theo… Mẹ và các cô giáo dạy nấu ăn ở trường giúp con tự tin hơn với khả năng nấu nướng của mình. Nấu ăn cũng là một cách học, nấu với mẹ hay nấu với các bạn chúng ta cũng phải tự học cách hợp tác, dung hòa với nhau.
Con làm cô cảm thấy cay cay nơi sống mũi, cái ngày phải chia xa một lứa học sinh nữa đến rất gần rồi. Cô chúc con luôn có những suy nghĩ tích cực, lạc quan và luôn sống tình cảm với những người xung quanh như vậy.
Con cảm ơn cô!
Song Linh tạm biệt tôi bằng nụ cười sáng và hiền – như ngày đầu tôi gặp con. Con chưa bao giờ từ chối bất cứ lời đề nghị giúp đỡ nào từ các thầy cô, trừ câu trả lời cho câu hỏi chính trong cuộc phỏng vấn này “Con ấn tượng nhất với thầy cô giáo nào tại Edison?”.
Nhưng làm sao mà “trách” con được, vì con lại nở nụ cười quen thuộc và thành thật: “Câu này khó lắm, con không trả lời được đâu cô ạ!”. Có lẽ người đọc cũng cảm nhận như tôi, về tình cảm của con qua tiêu đề của bài phỏng vấn này. Mong rằng Song Linh và các con luôn có một “hành lang tòa C” thân thuộc và yêu thương như vậy đi theo đến suốt cuộc đời!
Song Linh làm MC tại Lễ Khai giảng năm học 2023-2024
Song Linh trên lớp học